Nội dung chính
  1. Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam & quy định của pháp luật
    1. Về đối tượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam:
    2. Về trường hợp ngoại lệ:
  2. Điều kiện để người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam
    1. Thứ nhất, cá nhân nước ngoài phải đáp ứng được điều kiện tại khoản 1 Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP
    2. Thứ hai, phải thỏa mãn điều kiện được quy định tại khoản 4 điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP
    3. Thứ ba, cá nhân nước ngoài phải đủ điều kiện được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 119 Luật Nhà ở 2014
    4. Thứ tư, cá nhân nước ngoài phải được đáp ứng được điều kiện tại khoản 3 Điều 160 Luật Nhà ở 2014
    5. Thứ năm, cá nhân nước ngoài chỉ được mua và sở hữu nhà khi được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2014
    6. Thứ sáu, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở trong khoảng thời gian được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 161 Luật Nhà ở 2014
  3. Thủ tục mua nhà đối với người nước ngoài tại Việt Nam
  4. Những lưu ý khi bán nhà cho người nước ngoài ở Việt Nam
    1. Đảm bảo hiểu những gì đối phương nói
    2. Luôn luôn đúng giờ, đúng hẹn
    3. Nắm rõ điều kiện, thủ tục mua bán nhà với người nước ngoài
    4. Không nói thách, không lừa đảo

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không?

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không? Điều kiện để người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là gì? Thủ tục mua nhà ở Việt Nam đối với người nước ngoài ra sao?

Hiện nay, số lượng người nước ngoài chọn Việt Nam để sinh sống và làm việc ngày càng gia tăng, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Tp. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…. Do đó, vấn đề nhà ở của người nước ngoài trở thành chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người.

Hiểu được điều đó, Thị Trường Today sẽ giải đáp toàn bộ thắc mắc xoay quanh vấn đề người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không trong bài viết này.

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không? 1

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không?

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam & quy định của pháp luật

Luật pháp Việt Nam quy định rõ về đối tượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, điều kiện mua nhà ở Việt Nam và nghĩa vụ của người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.

Về đối tượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam:

Nếu như Luật nhà ở 2005 quy định chỉ tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê tại Việt Nam thì mới có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Thì Luật nhà ở 2014 đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được mở rộng.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 159 Luật nhà ở 2014 quy định và nêu rõ: tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu căn hộ, nhà riêng lẻ (biệt thự và nhà phố) trong các dự án nhà ở thương mại ở Việt Nam. Bao gồm:

  • Nhà đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án;
  • Tổ chức, cá nhân người nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không? 2

Người nước ngoài hoàn toàn có thể mua nhà ở Việt Nam

Về trường hợp ngoại lệ:

Không phải tất cả các dự án tại Việt Nam người nước ngoài đều được mua. Căn cứ tại Điểm a, Khoản 1 Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì: người nước ngoài không được sở hữu các dự án nằm trong danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn mà tổ chức, cá nhân nước ngoài không được phép sở hữu do Sở Xây dựng công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 76 Nghị định này đã quy định như sau: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 7 của Nghị định này và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu; trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì giải quyết theo quy định tại Điều 78 của Nghị định này”.

Điều kiện để người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam

Để người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam thì các cá nhân nước ngoài cần phải đáp ứng những điều kiện sau đây:

Thứ nhất, cá nhân nước ngoài phải đáp ứng được điều kiện tại khoản 1 Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP

Cụ thể: “Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam”.

Thứ hai, phải thỏa mãn điều kiện được quy định tại khoản 4 điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP

Cụ thể: “Trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trong đó có nhà ở riêng lẻ để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định sau đây:

a) Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong dự án đó;

b) Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn;

c) Trường hợp có từ hai dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% số lượng nhà ở của mỗi dự án”.

Thứ ba, cá nhân nước ngoài phải đủ điều kiện được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 119 Luật Nhà ở 2014

Cụ thể: “Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch”.

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không? 3

Điều kiện để người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam

Thứ tư, cá nhân nước ngoài phải được đáp ứng được điều kiện tại khoản 3 Điều 160 Luật Nhà ở 2014

Cụ thể: “Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật”.

Thứ năm, cá nhân nước ngoài chỉ được mua và sở hữu nhà khi được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2014

Cụ thể: “Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà”.

Thứ sáu, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở trong khoảng thời gian được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 161 Luật Nhà ở 2014

Cụ thể: “Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận”.

Tóm lại, điều kiện để người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam bao gồm:

- Điều kiện đối với cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam:

  • Có giấy chứng nhận đầu tư
  • Có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở.

- Đối với tổ chức nước ngoài là Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam:

  • Có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam.

- Đối với cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam:

  • Được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Thủ tục mua nhà đối với người nước ngoài tại Việt Nam

Để cá nhân nước ngoài thực hiện giao dịch mua bán nhà ở tại Việt Nam được thuận lợi và nhanh nhất thì pháp luật Việt Nam cũng quy định thủ tục gồm các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết để thực hiện thủ tục chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở tại Việt Nam.

Bước 2: Ký kết hợp đồng mua bán nhà ở. Tuy nhiên, cần lưu ý không được trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Bước 3: Làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền.

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không? 4

Thủ tục mua nhà ở Việt Nam cho người nước ngoài như thế nào?

Thành phần hồ sơ bao gồm:

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nơi có nhà ở là nơi tiếp nhận hồ sơ.

Sau khi nộp hồ sơ mà hồ sơ chưa hợp lệ hay chưa đầy đủ thành phần theo quy định của pháp luật thì sau 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan thẩm quyền tiếp nhận phải thông báo hoàn trả và hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện đúng với quy định của pháp luật.

Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đóng đầy đủ các lệ phí lại bưu cục Thuế.

Bước 5: Nhận Giấy chứng nhận.

Những lưu ý khi bán nhà cho người nước ngoài ở Việt Nam

Người Việt bán nhà cho người Việt đã có nhiều cái khó, người Việt bán nhà cho người nước ngoài còn khó gấp bội lần. Không chỉ khác biệt về giao tiếp mà cả văn hóa, lối sống, cách mua bán của người nước ngoài cũng khác rất nhiều với người Việt Nam. Do vậy, khi có ý định bán nhà cho người nước ngoài thì chủ bán nên lưu ý một số vấn đề sau:

Đảm bảo hiểu những gì đối phương nói

Mua bán nhà đất không phải là mua miếng thịt, bó rau có thể hỏi giá bao nhiêu, trả tiền, lấy hàng là xong. Mua nhà là tài sản lớn, số tiền bỏ ra nhiều nên phải đảm bảo “thuận mua vừa bán”. Muốn thuận mua vừa bán thì cả hai trước hết phải hiểu ngôn ngữ của nhau để hiểu đối phương đang nói gì.

Luôn luôn đúng giờ, đúng hẹn

Nếu là người Việt Nam, việc chúng ta sử dụng “giờ dây thun” là chuyện hết sức bình thường. Nhưng ở nước ngoài, hẹn đúng giờ nào thì sẽ đến đúng giờ đó hoặc sớm hơn chứ không có chuyện đến muộn. Thậm chí chỉ trễ 1 - 2 phút thôi thì trong mắt họ chúng ta là những người không chuyên nghiệp rồi. Khi đã có những ấn tượng không tốt đẹp về nhau, thì việc mua bán sẽ rất khó khăn.

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được không? 5

Lưu ý khi bán nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam

Nắm rõ điều kiện, thủ tục mua bán nhà với người nước ngoài

Pháp luật Việt Nam quy định rõ điều kiện và thủ tục mua bán nhà của người nước ngoài ở Việt Nam. Nếu bạn có ý định bán nhà cho người nước ngoài thì tuyệt đối không thể không nắm rõ những quy định này. Và những quy định đó đã được chúng tôi tổng hợp, nêu rõ ở 2 phần nói trên.

Không nói thách, không lừa đảo

Người nước ngoài khi có ý định mua nhà tại Việt Nam, chắc chắn họ cũng đã tìm hiểu rất kỹ rồi mới quyết định mua. Vì vậy đừng nghĩ họ là người nước ngoài không biết gì nên mặc sức chặt chém và lừa đảo. Khi đó bạn chẳng những không bán được nhà mà còn để lại tiếng xấu trong mắt tất cả mọi người.

Việc pháp luật cho phép người nước ngoài có thể mua nhà ở Việt Nam chính là cơ hội cho người nước ngoài muốn sinh sống tại Việt Nam, nhưng đó cũng là cơ hội của người bán nhà ở Việt Nam. Đó là cơ hội để giao lưu, mở rộng, học hỏi những điều tốt đẹp ở người nước ngoài. Đồng thời, mở rộng đối tượng mua nhà để tìm được người mua phù hợp với mức giá cao nhất có thể.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn