Hợp đồng đặt cọc viết tay có giá trị không?

Hiện nay, khi mua bán nhà đất, nhiều người dân vẫn lựa chọn hợp đồng đặt cọc viết tay để trao - nhận một khoản tiền mặt nhằm bảo đảm cho việc thực hiện các thỏa thuận liên quan.

Trong các giao dịch mà đối tượng là bất động sản, hợp đồng cọc mua nhà, mua đất không còn là khái niệm pháp lý xa lạ. Các bên vẫn có thói quen “đặt” trước cho nhau một số tiền để làm tin, thêm một sự ràng buộc đối với hợp đồng mua bán chính thức. Trong khoảng thời hạn đặt cọc, các bên chuẩn bị những hồ sơ, công việc cần thiết liên quan, sắp xếp điều kiện thuận lợi nhất cho việc mua bán được diễn ra. Việc đặt cọc ngầm củng cố niềm tin cho các bên rằng các thỏa thuận sẽ ít có sự thay đổi hơn. Tuy nhiên, việc đặt cọc thông qua những tờ giấy viết tay liệu có đảm bảo pháp lý?

Hợp đồng đặt cọc là gì

Với cách hiểu của người dân, hợp đồng đặt cọc chỉ đơn giản là văn bản xác nhận việc giao nhận tiền để chuẩn bị cho việc mua bán nhà đất. Thế nhưng, xét theo góc độ pháp lý, đây còn là khái niệm được đặt trong nhiều quan điểm trái chiều.

Điều 328 Bộ Luật Dân sự quy định về Đặt cọc như sau:

“Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”

Như vậy, tinh thần chung của đặt cọc vẫn là “bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Theo Điều 292 cũng tại Bộ Luật này thì đặt cọc được xem là một trong các biện pháp bảo đảm. Vậy những Giấy đặt cọc, Hợp đồng đặt cọc có bản chất pháp lý là gì?

Tại điều 116 Bộ Luật Dân sự 2015 có đề cập: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Bên cạnh đó, Điều 385 quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Xét về mặt nội dụng và mục đích của các hành vi đặt cọc hiện nay, thì những Hợp đồng đặt cọc, Giấy đặt cọc là hợp đồng dân sự và cũng là giao dịch dân sự theo quy định. Như vậy, Hợp đồng đặt cọc tất nhiên cũng chịu sự điều chỉnh của các quy định về nội dung và hình thức, hiệu lực của giao dịch dân sự.

hợp đồng đặt cọc viết tay

Hợp đồng đặt cọc viết tay có giá trị không

Điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Mặt khác, tại các quy định về đặt cọc cũng không yêu cầu cụ thể việc đặt cọc có cần lập thành văn bản hay không; cũng không bắt buộc công chứng, chứng thực.

Do đó, có thể hiểu rằng chỉ cần đảm bảo đúng mục đích, còn việc thể hiện ở dạng nào là tùy thuộc vào lựa chọn các bên, miễn sao không trái với tinh thần chung của bộ luật. Chính vì vậy, hợp đồng đặt cọc viết tay hay giấy đặt cọc viết tay đều có giá trị về mặt pháp lý.

Thực tế xét xử hiện nay cho thấy, một số trường hợp đặt cọc bằng hợp đồng viết tay hoặc thông qua lời nói vẫn có đủ căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh như đòi lại tiền đặt cọc, phạt cọc,... Hợp đồng đặt cọc mang giá trị bảo đảm cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, tránh được sự bội tín trong giao dịch và mang tính thực tế khi chỉ phát sinh hiệu lực sau khi các bên đã giao cho nhau tài sản đặt cọc. Vì vậy, chỉ cần thể hiện được sự giao - nhận tiền để cam kết cho một nghĩa vụ nào đó chắc chắn được thực hiện hoặc các giấy tờ liên quan chứng minh được sự tồn tại của một “lời hứa” như giấy hẹn, giấy biên nhận,... thì các bên trong mối quan hệ đặt cọc vẫn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn