Cảnh giác lừa đảo mua bán nhà đất Biên Hoà, Đồng Nai 2020

Thị trường nhà đất tăng trưởng nhanh kéo theo đó là hàng loạt vấn đề về lừa đảo khi mua bán nhà đất Biên Hòa, Đồng Nai.

Tiền mất mà nhà đất không có, chuyện như ăn cơm bữa được cảnh báo trên rất nhiều diễn đàn bất động sản, nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, trong đó Biên Hòa được xem là điểm nóng. Một phần do nhà đất Biên Hòa đang có sức hút lớn, giá đất Biên Hòa tăng nhanh nên nhiều khách hàng và nhà đầu tư chỉ cố gắng mua được càng nhanh càng tốt mà quên mất những cái bẫy đã giăng sẵn.

Thực trạng lừa đảo mua bán nhà đất không chỉ riêng tại Biên Hòa, mà còn là vấn đề nóng chung của bất động sản Đồng Nai. Thời điểm cuối năm 2019, khi vụ việc của công ty bất động sản Alibaba bị phanh phui, nhiều dự án tương tự cũng bị xử lý. Các dự án đất nền Biên Hòa được đưa vào diện nghi ngờ về pháp lý.

Dựa vào kế hoạch quản lý đất đai cho thấy, khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, thành ủy Tp. Biên Hòa, Sở Tài nguyên Môi Trường Đồng Nai cùng các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Nhưng thực tế, chỉ một vài vụ việc được xử lý triệt để. Hoạt động của cò mồi và các dự án trái phép vẫn đang diễn ra tràn lan.

Hầu hết các chuyên gia và nhà đầu tư tại Tp. Biên Hòa đều có cùng ý kiến. Muốn an toàn, chính người mua phải trang bị đầy đủ kiến thức về đầu tư nhà đất. Nghiên cứu kỹ thị trường và chắc chắn trong các khâu kiểm tra pháp lý, thủ tục mua bán nhà đất.

Bán đất Biên Hòa - 1

Với mua bán đất Biên Hòa, Đồng Nai năm 2020, dưới đây là những chiêu lừa đảo cần phải cảnh giác:

Lừa bán nhà đất Biên Hòa qua vi bằng

Đây là hình thức lừa đảo mua bán nhà đất rộ lên tại Tp. Biên Hòa trong thời gian gần đây. Lợi dụng giá đất Biên Hòa tăng, lượng lớn khách hàng thiếu hiểu biết về luật mua bán nhà đất đổ về đây, cò mồi đã dùng hình thức vi bằng để bán nhà đất chuộc lợi.

Từ những căn nhà không có giấy chứng nhận được mua bán bằng giấy tay hoặc để tăng sự tin tưởng, cò mồi còn nhờ các văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng. Thậm chí nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng.

Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì vi bằng do Thừa phát lại lập theo trình tự, thủ tục được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP chỉ có giá trị ghi nhận sự kiện, hành vi dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp luật khác. Nếu mua phải đất chỉ có vi bằng mà không có bất kỳ một giấy tờ pháp lý nào hợp lệ, đồng nghĩa với việc mất tiền oan khó đòi lại quyền lợi dù là người bị hại.

Bán đất Biên Hòa - 2

Mạo danh chính quyền hoặc chủ đầu tư để rao bán đất Biên Hòa

Không ngần ngại nhận mình là nhân viên thuộc chủ đầu tư hoặc người của chính quyền địa phương để rao tung các thông tin sai lệch về nhà đất trên các kênh mua bán nhà đất. Sẵn sàng đưa ra các cam kết và hứa hẹn quyền lợi lý tưởng cho khách hàng. Những người này tự ý thay mặt cho chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ và đưa ra giá bán thấp hơn nhiều so với mức dự kiến của chủ đầu tư với mục đích để “dụ” khách hàng.

Tạo dựng được một vỏ bọc khá hoàn hảo, những người tự cho mình là người của UBND huyện, xã hoặc chủ đầu tư dễ dàng lấy được lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc và yêu cầu xuất trình các loại giấy tờ pháp lý để ký hợp đồng thì vỡ lẽ. Lúc này, việc liên lạc với những người này hoàn toàn bị chặn. Khách hàng kêu trời cũng khó được giải quyết.

Bán đất Biên Hòa - 3

Tung tin đồ quy hoạch, bán đất dự án ma

Trước những chính sách phát triển Tp. Biên Hòa, nhiều người dễ dàng đặt lòng tin vào những bản quy hoạch được vẽ bằng trí tưởng tượng của cò mồi, lừa đảo nhà đất.

Vài năm trở lại đây, hàng loạt điểm nóng nhà đất Tp. Biên Hòa rộ lên, đẩy giá bán lên cấp 2 - 3 lần so với thực tế rồi sau đó bị dập tắt nhanh chóng. Người mua đất giữa giai đoạn sốt đất "bật ngửa" khi giá trị thực sự của tài sản chỉ bằng 1/3 giá đã mua vào. Thậm chí các thông tin quy hoạch không có thật và hoàn toàn thuộc về một khu vực cách đó rất xa.

Tại Biên Hòa, thực trạng phân lô, bán đất nền trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra tràn lan. Nhiều dự án ma, dự án chưa được cấp phép vẫn được các chủ đầu tư san lấp mặt bằng, mở bán trái phép. Khách hàng vì tin tưởng chủ đầu tư, thấy cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện, sẵn sàng đặt cọc để giữ vị trí đẹp. Tuy nhiên dự án chỉ dừng ở bước san lấp mặt bằng, không thể tiến hành do không được cấp phép. Lúc này khách hàng mới vội vàng quay sang đòi tiền từ chủ đầu tư. Nhưng số người đòi được thì rất ít, phần lớn sẽ bị chủ đầu tư hứa hẹn hết lần này đến lần khác, thậm chí một số chủ đầu từ "bốc hơi" ngay sau khi hốt được một "mẻ" lớn.

Bán đất Biên Hòa - 5

Giả mạo ngân hàng thanh lý nhà đất Tp. Biên Hòa

Với lời giới thiệu, khu đất thanh lý được chủ cũ thế chấp tại ngân hàng, nhưng đã mất khả năng trả nợ. Do đó, ngân hàng liên kết với công ty bất động sản làm lại hạ tầng, phân lô bán nền, sau đó phát triển thành khu dân cư. Người đứng ra rao bán đất Biên Hòa hoặc bán nhà Biên Hòa tự nhận mình là nhân viên ngân hàng, có thông tin nhà đất chính xác hoặc được giao nhiệm vụ bán đất thế chấp hết thời hạn cần thanh lý. Những người này còn cam kết sau khi thanh toán 95%, khách hàng sẽ được làm thủ tục sang tên, công chứng luôn. Nếu mua theo hình thức trả chậm, khách hàng chỉ cần thanh toán trước 50%, số còn lại trả chậm trong 6 tháng không lãi suất.

Khi người mua yêu cầu xem giấy tờ, thì sẽ được bao biện bằng lý do sổ đang được thế chấp tại ngân hàng và lô đất đang xây dựng hạ tầng nên chưa thể coi được. Không ít người vì nhẹ dạ cả tin nên đã mắc lừa chiêu trò lừa đảo, sẵn sàng cọc để giữ chỗ, thậm chí thanh toán 50 - 95% giá trị sau đó mới vỡ lẽ.

Bán đất Biên Hòa - 4

Đất 2 giá hoặc bán cho nhiều người

Không mấy lạ lẫm khi cùng một thông tin bán đất Biên Hòa nhưng anh chị có thể thấy nhiều kênh đăng tải và giá bán hoàn toàn khác nhau. Tình trạng này không chỉ riêng ở nhà đất Tp. Biên Hòa mà ở đâu cũng có. Người bán thì không thiệt, chỉ người mua mới thiệt thòi nếu chọn đặt lòng tin sai chỗ.

Nguy hiểm hơn là cùng một lô đất nhưng được bán cho nhiều người khác nhau. Thông thường hình thức này sẽ áp dụng đối với các mảnh đất, ngôi nhà đang đợi làm thủ tục chuyển đổi, ra sổ, đợi đền bù… Vì chưa có giấy tờ, không thể mua bán qua công chứng, nên hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng giấy tờ viết tay.

Kẻ lừa đảo sau khi ôm được tiền của người mua đất Biên Hòa thì nhanh chóng "lặn mất tăm hơi", người mua thì liên tục kiện tụng, tranh chấp.

Ngoài những trường hợp lừa đảo mua bán nhà đất tại Biên Hòa vừa nên trên, vẫn còn chiều mánh khóe tinh vi đang được cò mồi sử dụng để chuộc lợi. Dù bất động sản Biên Hòa tiềm năng đầu tư rất lớn, nhưng phải thực sự cẩn trọng để tránh những rủi ro đáng tiếc. Tuyệt đối không đầu tư theo đám đông, không chi tiền khi chưa chắc chắn về pháp lý nhà đất.

>>>> Xem thêm:

Đánh giá của bạn